nhan-vien-gioi-nghi-viec-sep-dang-pham-sai-lam-nao

Làm thế nào giữ chân người giỏi là vấn đề trăn trở của nhiều nhà quản lý. Khi có một hay nhiều nhân viên giỏi nghỉ việc, những người làm sếp thường có xu hướng nghĩ đến lý do tiền lương, chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp mà quên rằng, đôi khi chính họ là nguyên nhân khiến nhân viên rời bỏ công ty.

 

Dưới đây là những sai lầm mà không ít vị sếp thường mắc phải khiến các nhân viên xuất sắc của họ muốn nộp đơn xin thôi việc. Hãy cùng tham khảo nhé!

 

Không tôn trọng nhân viên

Đây là vấn đề của không ít nhà quản lý. Áp lực của việc tăng lợi nhuận, làm hài lòng đối tác… khiến họ chỉ chăm chăm hướng đến mục tiêu, mà coi nhẹ việc đối xử tôn trọng, thân thiện với nhân viên của mình. Đặc biệt khi công việc không như ý, họ không ngần ngại bộc lộ cảm xúc tiêu cực với nhân viên. Điều này gây nên tâm trạng ấm ức, thậm chí tổn thương cho cấp dưới của họ. Mặc dù sau đó, khi mọi việc trở lại bình thường, họ cũng dường như không nhớ hoặc không quan tâm mình đã nói gì hay làm gì nhưng đối với những nhân viên bị trách móc nặng lời, họ sẽ không quên cảm giác bị xúc phạm, đặc biệt khi điều này lặp lại nhiều lần, đó sẽ là nguyên nhân khiến họ muốn rời bỏ công ty.

 

Không công nhận năng lực của nhân viên

Những nhân viên giỏi luôn muốn được cấp trên công nhận năng lực và khích lệ, tạo điều kiện cho họ phát triển nghề nghiệp. Nếu bạn không kịp thời ghi nhận và trao thưởng xứng đáng cho  đóng góp của họ đối với tập thể, nhân viên dễ sẽ nản lòng, không còn động lực để phấn đấu.  

Mặt khác, nhân viên giỏi thường mong muốn được chủ động công việc của mình. Nếu bạn ôm đồm quá nhiều việc mà không giao bớt quyền hạn cho cấp dưới, họ cũng cảm thấy không được tin tưởng và thiếu điều kiện để khẳng định, phát triển năng lực bản thân. Đó cũng là nguyên nhân khiến họ muốn tìm cơ hội tốt hơn ở những công ty khác.

 

Đối xử thiếu công bằng

Chỉ quan tâm, khích lệ, bày tỏ sự ủng hộ ra mặt đối với những nhân viên “hợp” với mình, đồng thời tỏ vẻ lạnh lùng, khó chịu với những người trái ý, không biết cách lấy lòng sếp. Nếu cư xử như vậy, bạn đang gây mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, khiến nhân viên ngày càng thiếu tôn trọng và xa lánh cấp trên. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng nhân viên và bầu không khí nơi làm việc. Đặc biệt, với các nhân sự giỏi, họ sẽ khó chấp nhận việc bị đối xử bất công, và sớm muộn họ sẽ tìm cách rời khỏi công ty của bạn.

 

Buộc nhân viên làm việc quá sức

Một chút áp lực có thể giúp nhân viên của bạn nâng cao năng suất hiệu quả công việc, nhưng nếu bạn luôn muốn “dồn ép” họ làm việc quá sức thì kết quả sẽ ngược lại hoàn toàn. Làm việc quá sức sẽ khiến tinh thần và cơ thể mệt mỏi, căng thẳng, họ sẽ cảm thấy công việc thay vì mang đến niềm vui thì lại trở thành một gánh nặng. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều người sẽ chọn cách tìm kiếm công việc mới để thoát khỏi áp lực nặng nề.

 

Không giữ đúng cam kết

Để thúc đẩy nhân viên tăng năng suất làm việc, nhiều người sếp thích cho họ “ăn bánh vẽ”. Hứa tăng lương, hứa cất nhắc lên vị trí quản lý… Tin vào lời hứa hẹn của sếp, nhân viên nỗ lực phấn đấu với hy vọng sẽ được đãi ngộ xứng đáng. Nhưng kết quả là họ chờ đợi mãi mà vẫn không thấy sếp thực hiện lời hứa. Nếu điều này lặp lại nhiều lần, sẽ chẳng còn ai đủ kiên nhẫn để tiếp tục phấn đấu. Thất vọng, mất lòng tin vào người quản lý, nhân viên sẽ không còn muốn cống hiến thêm một ngày nào nữa cho công ty của bạn.

 

Môi trường làm việc thiếu tích cực

Nếu ở công ty bạn, mọi người cư xử tùy tiện, kém văn minh thậm chí là thiếu văn hóa, nơi làm việc không còn đem đến niềm vui cho các nhân viên, chắc chắn họ sẽ muốn tìm đến những môi trường làm việc khác lành mạnh hơn.

Nếu người lãnh đạo không điều tiết được, thậm chí cư xử kém khiến cho nơi làm việc trở nên khó chịu, căng thẳng hay tiêu cực, những nhân viên có năng lực sẽ là người muốn rời đi đầu tiên. Không chỉ vì họ có nhiều sự lựa chọn, mà còn vì những người giỏi hiểu rằng môi trường làm việc thiếu tích cực, thiếu chuyên nghiệp sẽ khiến công ty khó phát triển bền vững.

 

Kiều Giang